Vitamin đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự sống cũng như các hoạt động sống của cơ thể. Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin thì làn da của bạn sẽ có những cảnh bảo bạn cần phải bổ sung vitamin với những biểu hiện bên ngoài. Vậy những dấu hiệu nào khiến chứng tỏ da của bạn đang thực sự cần bổ sung các Vitamin?
Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phần lớn phải lấy từ ngoài vào qua các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày. Một cơ thể được cung cấp đầy đủ chất sẽ được thể hiện bằng một làn da tươi sáng, khỏe mạnh, trẻ trung, ngược lại nếu cơ thể đang thiếu chất thì làn da sẽ trở nên xỉn màu, chảy xệ, mụn nổi lên. Thiếu hụt bất kỳ một vitamin có lợi cho cơ thể nào cũng sẽ có dấu hiệu để bạn nhận biết đặc biệt là qua làn da.
Nội dung
1. Thiếu Vitamin A
Ngoài việc là một vitamin không thể thiếu cho cơ thể thì vitamin A còn có thể làm giảm các nếp nhăn, đốm nâu và ngăn ngừa lão hóa da, giúp da mịn màng, trẻ trung hơn. Khi cơ thể của bạn bị thiếu hụt vitamin A, làn da sẽ xuất hiện mụn trứng cá, bong tróc da, ngứa ngáy, phát ban, khô sần.
Ngoài ra cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thị lực buổi tối kém, dễ chảy máu lợi, da xỉn màu trông thiếu sức sống, dễ nổi mụn ở hai bên má, cánh tay và đùi là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin A.
Hiện nay, trong nhiều loại sản phẩm kem dưỡng có chứa thành phần vitamin A cao nhằm hỗ trợ và tái tạo nên một làn da mới. Tuy nhiên, khi sử dụng những kem dưỡng này bạn nên dùng vào bên đêm và chỉ thoa một lượng nhỏ lên trên mặt để nó phát huy tốt nhất công dụng của mình.
Bên cạnh đó, trong một số thực phẩm, trái cây tươi cũng có chứa nhiều vitamin A rất tốt cho làn da như: cà chua, xoài, cà rốt, trứng, bí ngô, rau xanh, sữa và thực phẩm chế biến từ sữa, gan, khoai lang…
2. Thiếu các Vitamin nhóm B
- Thiếu vitamin B1: Cơ thể mệt mỏi, sụt cân, dễ bị kích động, mất ngủ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và hệ tim mạch.
- Thiếu vitamin B2: Da bị tiết nhiều dầu hơn lúc bình thường, xuất hiện tình trạng mẫn đỏ, mắt khó chịu.
- Thiếu vitamin B3: Vitamin B3 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ceramide và acid béo – hai thành phần chính trong hàng rào bảo vệ da; tăng cường độ ẩm trên da, giảm mẫn đỏ, giúp loại bỏ độc tố ra khỏi da, cải thiện quá trình lưu thông máu, nuôi dưỡng da khỏe mạnh, làm lành vết thương, diệt khuẩn. Trong các sản phẩm chăm sóc da thì vitamin B3 thường được biết đến dưới tên gọi niacinamide trên bảng thành phần.Việc thiếu hụt vitamin B3 làm ảnh hưởng đến các vấn đề đường ruột như tiêu hóa kém, hơi thở có mùi, mất đi cảm giác thèm ăn, đau đầu, người uể oải thiếu năng lượng.
- Thiếu vitamin B5: Mắt thâm quầng, bọng mắt to hơn, hay bị chuột rút, nhịp tim nhanh chậm bất thường, mất ngủ, hay nóng rát ở chân và bàn chân.
- Thiếu vitamin B6: Tóc dễ rụng, thường xuyên mất ngủ, da xấu, xỉn màu
- Thiếu vitamin B12: Cơ thể luôn mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, mất cân bằng hormone trong cơ thể.
Thực phẩm có nhiều vitamin B như: hạnh nhân và sữa hạnh nhân, quả óc chó, quả bơ, chuối, hạt điều, măng tây, bí ngô, rau dền, đậu phộng, đỗ xanh…
3. Thiếu Vitamin C
Vitamin C luôn là thành phần hầu như không thể thiếu trong các sản phẩm trị nám và chống lão hóa da nhờ khả năng hạn chế việc sản sinh các gốc tự do, tăng cường sản xuất collagen, phục hồi tổn thương, giúp da săn chắc và giảm thâm nám hiệu quả. Khi thiếu vitamin C lâu dài mà không được bổ sung sẽ xuất hiện tàn nhang, nám, da dễ bị ăn nắng và cháy nắng hơn khi đi ra ngoài.
Thiếu vitamin C sẽ khiến cho các vết xương gãy/nứt, vết thương hở lâu lành, dễ bị chảy máu chân răng, chảy máu mũi, khó tiêu.
Vitamin C được tìm thấy nhiều trong trái cây họ cam quýt, dây tây, đu đủ, ổi, ớt chuông vàng, cải xoăn, dứa, kiwi, xoài, súp lơ… Đồng thời, bạn cũng chống và trị tàn nhang hiệu quả với một số loại kem dưỡng da có chứa thành phần vitamin C cao.
4. Thiếu Vitamin D
Vitamin D có nhiệm vụ củng cố hàng rào bảo vệ da tự nhiên của cơ thể, tăng cường khả năng chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Vitamin D rất có lợi trong việc phát triển xương, nên khi cơ thể bị thiếu vitamin D sẽ làm xương và cơ yếu, sỏi thận, sâu răng, làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể.
Nhưng trong tự nhiên, rất ít thực phẩm giàu vitamin D, chủ yếu là một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển, sữa – các sản phẩm của sữa và các loại thức ăn có bổ sung vitamin D như trứng gà được nuôi bổ sung vitamin D, các loại bột ngũ cốc có bổ sung vitamin D…
5. Thiếu Vitamin E
Vitamin E ngoài việc giúp trung hòa các gốc tự do hiệu quả, bảo vệ lượng collagen có sẵn khỏi sự thâm hụt, điều chỉnh tone da thì còn là một chất chống oxy hóa cực mạnh, hiệu quả cao trong việc giữ độ ẩm cho da, cải thiện kết cấu da, ngăn ngừa lão hóa da và làm sáng da.
Vitamin E rất cần cho phụ nữ vì nó là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho vấn đề sinh sản và cải thiện nội tiết tố nữ an toàn. Khi bị thiếu vitamin E thì chân tay rất mệt mỏi, thần kinh luôn trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng, hay ra mồ hôi, da khô bong tróc và dễ tổn thương, dễ đau bụng kinh mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt.
Ngoài việc cung cấp vitamin E cho da bằng cách sử dụng mỹ phẩm, kem chống nắng, viên bổ sung vitamin E, bạn có thể tự cung cấp vitamin E bằng con đường ăn uống. Thực phẩm giàu vitamin E có nhiều trong: đậu tương, giá, đỗ, vừng, lạc, hạt hướng dương, mầm lúa mạch…