Nứt gót chân không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn đau đớn khó chịu, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt. Đặc biệt khi vùng gót chân nứt nhiều, chảy máu, tạo thành các khe rãnh sâu rất dễ bị nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử bàn chân nếu không điều trị kịp thời.
Biểu hiện như gót chân bị bong tróc và nứt da, ngứa và chảy máu từ các vết nứt làm cho vi khuẩn, vi nấm hoặc siêu vi xâm nhập, các vết chai ở gót chân dày và cứng chúng sẽ khô và nứt ra và khi dính bụi bẩn sẽ rất khó rửa và dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy các bạn không nên coi thường và có những phương pháp làm mềm gót chân, tẩy da chết cho gót chân.
Nội dung
Nguyên nhân khiến gót chân bị khô nứt
Do thời tiết mùa đông quá lạnh lại hanh khô khiến da khô và mất nước. Gót chân thường bị mất độ ẩm tự nhiên do: Không giữ ẩm cho bàn chân thường xuyên, cơ thể bị mất nước hoặc không uống đủ nước, sử dụng xà phòng có chất tẩy mạnh, nước tắm quá nóng, ngâm chân trong nước nóng quá lâu hoặc quá thường xuyên, dùng nhiệt độ cao sấy khô chân… làm lớp da bên ngoài chân dày lên và dễ khô nứt.
Do áp lực kéo dài quá mức đối với phần gót chân phát sinh từ: đi bộ hoặc đứng lâu, đặc biệt là trên sàn cứng. Người béo phì hay mang thai làm tăng áp lực đối với lớp mỡ bình thường dưới gót chân, làm cho nó “dạt” sang hai bên, khi đó nếu da không có độ dẻo dai và linh hoạt, áp lực có thể gây ra vết nứt. Giày dép không có các miếng đệm hỗ trợ cho phần gót chân… khiến gót chân rất dễ bị nứt.
Do mắc một số rối loạn hoặc các loại bệnh như suy giáp, bệnh vẩy nến, eczema, viêm da dị ứng, đặc biệt là bệnh tiểu đường… cũng có thể dẫn đến nứt gót chân. Người dùng thuốc kháng histamin và thuốc lợi tiểu cũng được xem là có hiện tượng gót khô. Loại trừ nguyên nhân lão hóa do tuyến mồ hôi ở bàn chân giảm hoạt động, người trẻ nếu thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cũng có thể khiến gót chân bị nứt nẻ.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường xung quanh như tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời rất lạnh hoặc nóng, trong khi môi trường trong nhà quá khô cũng có thể gây nứt gót chân. Một số nguyên nhân khác là phụ nữ đi dép hở gót mỗi ngày hay không chăm sóc và duy trì vệ sinh chân đúng cách cũng tạo đà cho lớp da gót chân dày, chai, gặp khi trời hanh khô rất dễ bị nứt.
Một số cách trị nứt gót chân, khô gót chân hiệu quả
1. Dùng chanh
Ngâm chân trong một chậu nước ấm có vắt nửa quả chanh để làm sạch và kháng khuẩn cho vùng da khô nứt. Chanh chứa nhiều loại axit tự nhiên, vừa có tác dụng làm sạch, vừa giúp vùng da này khỏe hơn. Ngâm chân trong nước chanh cũng giúp loại bỏ các mùi khó chịu ở chân, đặc biệt hữu ích khi bạn thường xuyên đi giày.
2. Dùng dầu dừa
Xoa bóp chân với dầu dừa mỗi tối sẽ giúp làm mềm gót chân khô cứng. Dầu dừa từ lâu đã được biết đến như một chất dưỡng ẩm tự nhiên tuyệt vời, có tác dụng làm mềm da, tóc và cả những vùng da khó trị như gót chân. Dầu dừa là thần dược dưỡng ẩm, có thể làm mềm cả những vùng da khô cứng đầu như gót chân.
3. Dùng chuối và đu đủ
Đừng vứt đi những quả chuối chín bị thâm đen. Hãy bóp nát rồi xoa vào vùng da nứt nẻ ở gót chân khoảng 15 phút rồi rửa sạch. Chuối chín rất giàu vitamin A, giúp khôi phục độ ẩm đã mất.
Tương tự như chuối, đu đủ cũng rất giàu vitamin A, nhanh chóng làm mềm vùng da khô nứt. Trộn đu đủ với mật ong, thoa vào gót chân trong khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch.
4. Dùng dầu mè (dầu vừng) hoặc dầu oliu
Nếu không ưa các loại kem và thuốc đặc trị nứt gót chân, bạn có thể sử dụng các sản phẩm tự nhiên để có được đôi gót sen mềm mại. Dầu mè, dầu oliu là một lựa chọn hoàn hảo bởi nó có tác dụng dưỡng ẩm và làm mềm mịn da rất tốt.
Massage chân với dầu mè trước khi đi ngủ và đi thêm đôi tất mỏng để da tẩm thấu hoàn toàn dầu mè và làm tăng hiệu quả dưỡng ẩm. Dầu mè chứa các axit linoleic, axit stearic và axit palmitic, có thể xử lý các vùng da đặc biệt khô nứt như gót chân, đầu gối, khuỷu tay.
5. Dùng dấm và nước súc miệng
Sử dụng 1 chén nước súc miệng, 1 chén dấm, 2 chén nước ấm. Với tỉ lệ bên trên, bạn có thể nâng số lượng lên gấp 5-6 lần tùy thuộc vào chậu nước bạn muốn ngâm. Hãy ngâm chân từ 10-15 phút. Sau đó cho chân vào một tấm khăn ẩm, nhẹ nhàng lau nhẹ lấy sạch da chết.
6. Dùng nước hoa hồng
Thoa hỗn hợp glycerin và nước hoa hồng theo tỉ lệ 1:1 để làm lành các vết nứt. Nước hoa hồng có khả năng làm mềm hoá chất sừng, khiến cho da mềm mịn, duy trì độ ẩm còn glycerin là thành phần dưỡng ẩm chủ yếu trong các sản phẩm làm đẹp.
7. Dùng bột cám gạo
Bột cám gạo trộn với mật ong và giấm táo, tạo thành hỗn hợp sền sệt dùng để massage chân. Hỗn hợp này sẽ lấy đi lớp tế bào khô sần và làm mềm gót chân hữu hiệu.
Trong cám gạo chứa nhiều vitamin B, đây là dược thảo tự nhiên giúp tẩy tế bào chết hiệu quả. Bạn cũng có thể dùng cách khác với bột cám gạo như sau: Trộn bột cám gạo, 1 muỗng canh dầu dừa hoặc mật ong tạo thành hỗn hợp sền sệt, bôi lên gót chân bị nứt nẻ trong khoảng 15-20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Cách phòng ngừa nứt gót chân
- Tẩy tế bào chết định kỳ, dưỡng ẩm hàng ngày.
- Ngâm chân trong nước muối gừng ấm 15-20 phút mỗi ngày để tăng cường lưu thông máu. Lưu ý là chỉ pha nước muối loãng thôi nhé. Bởi vì nước muối đậm đặc sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô, nứt sâu hơn.
- Mang giày dép có kích thước phù hợp với chân.
- Không dùng dao, kéo để cắt phần da chai sần vì nó có thể khiến bạn bị nhiễm trùng.
- Không lạm dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa, rửa nước nóng, sấy khô chân vì sẽ làm cho da bị mất nước, mất các axít hữu cơ để bảo vệ da, mất lớp dầu tự nhiên trên da dẫn đến da bị co rúm, khô, mất độ đàn hồi và nứt nẻ.
- Không bóc vảy, chà xát kỳ cọ vùng da nứt nẻ quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải làm lớp sừng càng bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm thâm nhập.
- Giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo. Ngâm chân quá nhiều trong nước sẽ khiến cho da bị ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm tấn công. Sau khi rửa cần phải lau khô bằng khăn mềm, nhất là khu vực kẽ chân.
- Không đi chân trần trên nền có bề mặt thô ráp, gồ ghề.
- Chế độ ăn uống khoa học, nên bổ sung thêm thực phẩm chứa kẽm và Omega 3. Uống nhiều nước hàng ngày.
- Nếu các phương pháp trên không hiệu quả thì nên đi khám tại các chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì có thể bạn bị bệnh viêm da cơ địa, á sừng…hoặc một bệnh nào khác.